Để con trở nên yêu thích việc đọc Ehon và để việc đọc Ehon đem lại hiệu quả cao nhất, việc tìm hiểu về Ehon, cách đọc Ehon là vô cùng quan trọng. Các bố/mẹ hãy cùng dochoigiaoducsom.com tìm hiểu để có phương pháp giúp con yêu thích đọc Ehon nhé.
EHON LÀ GÌ?
Ehon là những tập truyện ngắn của Nhật, nội dung xúc tích viết về một câu chuyện hay đề tài nhỏ nào đó có tranh minh họa dành cho thiếu nhi chủ yếu lứa tuổi từ 0 - 10 tuổi, nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng, tăng vốn từ vựng, giúp nuôi dưỡng cảm xúc và giúp tâm hồn trẻ thêm phong phú. Ehon có đề tài rất phong phú, từ các sự vật hiện tượng thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá, mặt trời, con vật, đến truyện cổ tích, tình cảm gia đình, tình bạn…Ehon được ví như là “thực phẩm tâm hồn của trẻ”, là món ăn tinh thần mỗi ngày dành cho trẻ. Thông qua những cuốn Ehon, thế giới tâm hồn trẻ được lấp đầy bởi những câu chuyện giàu tính nhân văn, về tình người, tình cảm gia đình, bạn bè, và thế giới tưởng tượng qua những câu chuyện cổ tích, hay là được khám phá thế giới động vật, thực vật, lịch sử, văn học qua những cuốn từ điển, truyện lịch sử.
Tuy mới chỉ có mặt ở Việt Nam chưa lâu, nhưng Ehon đã được cha mẹ và các em nhỏ Việt đón nhận nồng nhiệt nhờ nội dung đặc sắc, phù hợp với tâm hồn con trẻ, tính nhân văn và giáo dục cao.
Mỗi bức tranh trong Ehon đều được tác giả vẽ với tất cả tình cảm dành cho trẻ thơ, dưới sự thấu hiểu tâm lí và phù hợp sự phát triển và nhận thức của trẻ ứng với từng giai đoạn. Ehon thường được chia ra thành 3 giai đoạn chính đó là:
- - 0-2 tuổi: Các tranh được vẽ chi tiết rõ ràng, rất ít chữ, rất ít nhân vật xuất hiện trên 1 tranh để phù hợp với nhận thức của lứa tuổi này.
- - 3-5 tuổi: Các câu chuyện đã dài hơn tầm 8-10 phút để đọc, nội dung và đề tài phong phú
- - 6-10 tuổi: Trẻ bước vào giai đoạn đọc sách thiếu nhi, tranh minh họa ít đi có thể là tranh đen trắng và câu chuyện dài hơn tầm 15-30 phút đọc. Giai đoạn này là bước tiến đến việc rèn luyện cho trẻ thói quen đọc sách sau này.
THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU ĐỌC EHON CHO BÉ
Ở Nhật hầu hết cha mẹ đều bắt đầu đọc Ehon cho con nghe từ tầm 6 tháng tuổi trở đi vì khi đó bé đã giữ được cổ và có thể ngồi thẳng trên lòng mẹ. Nhưng cũng có nhiều cha mẹ vẫn đọc cho con Ehon từ khi mang thai, hay khi mới sinh ra. Vì đọc Ehon cũng như cha mẹ đang hát cho con nghe một bài hát ru vậy. Trẻ nhìn các tranh nhiều màu sắc, được nghe giọng đọc ấm áp của cha mẹ không chỉ giúp trẻ cảm nhận tình yêu thương mà còn giúp trẻ hứng thú với sự vật xung quanh mình.
PHƯƠNG PHÁP ĐỌC EHON CHO CON NGHE HIỆU QUẢ
Cách đọc Ehon rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí trẻ, khiến trẻ trở nên yêu hay ghét việc đọc Ehon cũng như việc đọc sách sau này. Điều quan trọng nhất khi đọc Ehon cho trẻ nghe chính là không khí thoải mái, không ép buộc để trẻ được trải nghiệm và thích thú theo cách của trẻ. Trẻ có thể giở ngược để xem, lật qua lật lại, liếm, gặm…đều mang ý nghĩa nhất định trong mỗi hành động ấy, nên hãy tôn trọng mong muốn ấy của trẻ. Hơn nữa cha mẹ nên hướng tầm nhìn đến mục tiêu 10 năm sau con sẽ trở nên thích sách để dặn bản thân không được nôn nóng trông chờ vào kết quả ngay tức thì.
- Cha mẹ nên bế trẻ để trẻ ngồi trên đùi hay ngồi trong lòng và giơ cách khoảng 20-30 cm để giúp bộ não tiếp thu tốt nhất.
- Cha mẹ nên tập đọc trước một lượt trước khi đọc cho trẻ nghe để nắm bắt nội dung và thần thái của câu chuyện.
- Đối với trẻ dưới 3 tuổi cha mẹ nên đọc to, rõ ràng, chậm rãi với giọng điệu cao. Có những loại Ehon dành cho lứa tuổi từ 0-2 tuổi rất ít chữ với mục đích để cha mẹ vừa nhìn tranh vừa sáng tác thêm cho câu chuyện theo ý riêng của mình. Với trẻ từ 2-3 tuổi thì giọng đọc trầm hơn so với lứa tuổi 0-1 tuổi, tốc độ đọc nhanh hơn nhưng cần phát âm to, rõ ràng.
Khả năng lí giải ngôn ngữ chưa cao thì ba mẹ không cần đọc y nguyên theo như truyện mà có thể thêm thắt vào các từ ngữ biểu cảm hoặc như là đang kể chuyện, hoặc chỉ chỉ tranh nói tên nhân vật cũng được, miễn sao bé hứng thú với cách đọc ấy. Cha mẹ hãy coi nội dung cuốn Ehon như là chủ đề để ba mẹ kể chuyện cho con, tạo ra không gian để trò chuyện cùng con. Vì với những Ehon có nội dung dài mà cha mẹ đọc nguyên văn cả câu chuyện sẽ khiến trẻ chán nản bỏ giữa chừng thì cha mẹ có thể tùy cơ ứng biến, rút ngắn nội dung câu chuyện cho phù hợp. Hãy lấy bức tranh minh họa làm trung tâm để kể cho trẻ nghe lại câu chuyện một cách ngắn gọn hơn.
- Còn đối với những trẻ từ bậc tiểu học trở đi thì nên đọc nguyên văn cả câu chuyện để nâng cao năng lực lí giải cho trẻ. Nhất là những truyện nhi đồng hầu như rất ít tranh thì không cần cho trẻ xem tranh để giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình.
- Về cơ bản Ehon là một câu chuyện ngắn vì thế nếu trẻ tập trung thì cha mẹ nên đọc liền một mạch để kết thúc truyện chứ không nên chia ra làm nhiều lần. Cách làm này vừa nâng cao năng lực lí giải, vừa nuôi dưỡng hứng thú, cảm giác hạnh phúc vì làm được việc gì đó tới cùng cho trẻ.
TÌM HIỂU TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN GIÚP CON YÊU THÍCH EHON HƠN
- Giai đoạn đầu khi trẻ còn nhỏ và mới làm quen với Ehon thì chỉ cần trẻ tập trung nhìn vài giây hay vài chục giây thôi cũng được. Trẻ có thể cầm gặm hay liếm hoặc giằng lấy lật, hoặc muốn xé cũng được (khi trẻ định xé thì hãy thay bằng tờ giấy hoặc tờ báo). Đôi khi đang nghe đọc giữa chừng là trẻ chán bỏ đi chơi trò khác cha mẹ cũng đừng lấy đó làm thất vọng. Vì cha mẹ càng kỳ vọng muốn con nghe hết truyện sẽ càng dễ nảy sinh sự thất vọng, tâm trạng không còn vui vẻ nữa. Chỉ cần trẻ vui vẻ hứng thú với việc tiếp xúc với Ehon ở giai đoạn đầu này là đạt mục tiêu.
- Trẻ rất thích những câu chuyện mang tính hành động, phưu lưu, bí hiểm, tưởng tượng như “Alice ở xứ sở thần tiên” mà thuật ngữ tiếng Nhật là “yukite kaerisi monogatari”- tiếng Anh “home-way-home”. Khi trẻ tập trung được hơn 10 giây trở đi rồi hãy bắt đầu những cuốn Ehon như thế để trẻ được thỏa mãn trí tò mò và ham muốn hành động trong mình.
- Khi trẻ có thể lí giải được một câu chuyện mà không cần tranh, hoặc khi đọc một cuốn Ehon bằng màu từ đầu đến cuối không dừng thì hãy chuyển từ truyện có màu sắc sang truyện màu đen trắng. Đó là bước đầu tiên chứng tỏ năng lực lí giải của trẻ đã phát triển để tiến tới giai đoạn khó hơn là thích những câu truyện dài. Vì thế mình nhận thấy Ehon cho trẻ tiểu học tầm lớp 5-6 trở đi thường là tranh đen trắng.
Có khả năng nếu cha mẹ không đọc cho nghe, không theo sát thì trẻ dù lúc nhỏ rất thích Ehon nhưng chưa chắc sau này lớn lên đã thích đọc sách. Chính vì thế bước cuối cùng là phải nhảy từ giai đoạn thích Ehon sang thích đọc sách, chính là nghe cha mẹ đọc truyện mà không cần nhìn tranh vẫn lí giải được. Đó là bước cao nhất để giúp trẻ tiến tới thích đọc sách sau này. Khi này hãy bỏ qua Ehon để tiến tới đọc câu chuyện dài như truyện cổ tích không cần tranh cho trẻ nghe. Nhiều người nghĩ rằng trẻ thích ehon thì sẽ thích đọc sách sau này chính là một lỗ hổng rất lớn. Nếu không có bước cuối cùng này thì khả năng trẻ tự nhiên thích đọc sách sẽ không hoàn toàn xảy ra.
CHỌN EHON NHƯ THẾ NÀO?
Về cơ bản cha mẹ chính là người chọn sách bởi vì cha mẹ chính là người dẫn đường đưa trẻ bước vào thế giới tuyệt vời của Ehon. Vì thế khi chọn sách cha mẹ nên là người đọc qua nội dung cuốn Ehon đó rồi hãy chọn, đồng thời khi trẻ đã đủ tuổi có chính kiến thì có thể tham khảo thêm ý kiến của trẻ.
Có 2 loại truyện sẽ lưu lại mãi trong kí ức của trẻ đó là: truyện có thể lưu lại trong kí ức trẻ những kỉ niệm vui vẻ, khó quên và truyện có thể khiến trái tim trẻ thổn thức, cảm động sâu sắc cho dù thời gian có trôi qua và trẻ có lớn lên chăng nữa.
- - Trẻ từ 0-2 tuổi: nên chọn những cuốn ehon có nhiều màu sắc, hình minh hoạ và ít chữ.
- - Trẻ từ 3-4 tuổi: nên cho trẻ cảm nhận thế nào là hạnh phúc, trẻ càng tiếp cận với nhiều quan niệm hạnh phúc khác nhau sẽ càng làm nhân sinh quan của trẻ thêm phong phú
- - Trẻ từ 5-6 tuổi: câu chuyện phải thỏa mãn mong muốn, kỳ vọng của trẻ như cái thiện thắng cái ác, mình sẽ làm được việc đó đến cùng, kích thích trí tò mò và đặt câu hỏi
- - Tiểu học đến trung học: hướng trẻ đến một cách sống đúng đắn, trung thực.
MỘT SỐ MẸO NHỎ GIÚP CON YÊU THÍCH VIỆC ĐỌC SÁCH
- Tạo môi trường để trẻ có hứng thú với việc đọc Ehon.
- Mỗi ngày hãy đọc 1 cuốn do con chọn, 1 cuốn do ba mẹ chọn.
- Khi hai anh (chị) em chênh tuổi nhau thì đọc Ehon như nào: hãy chia thời gian đọc cho mỗi trẻ vào thời điểm khác nhau. Hoặc là hãy trao nhiệm vụ cho đứa lớn để đứa lớn có cảm giác mình “ra dáng anh chị” như là chọn truyện đọc cho em nghe, hoặc nếu biết đọc rồi thì sẽ thay mẹ đọc cho em nghe. Cha mẹ hãy nhớ là làm gì cũng nên ưu tiên anh (chị) trước, có như vậy thì hai anh (chị) em mới hòa thuận được.
- Nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng cho trẻ bằng Ehon và liên hệ với thực tế sẽ giúp trẻ mở rộng phạm vi hứng thú để nâng cao năng lực tưởng tượng cho trẻ thì việc đọc ehon cần kết hợp với trải nghiệm ở thực tế. Cha mẹ hãy cho bé cơ hội đi tìm hay khám phá những thứ ở ngoài thực tế được đưa vào sách. Ví dụ như con cá, bông hoa, bó rau ở siêu thị,hay con chim, con voi, con khỉ ở vườn bách thú.
MỘT SỐ LƯU Ý CHA MẸ CẦN TRÁNH ĐỂ TRẺ KHÔNG GHÉT VIỆC ĐỌC SÁCH
- Giai đoạn 0-4 tuổi nếu như trẻ không được rèn luyện thói quen đọc sách thì có lẽ suốt đời sẽ không có thói quen đọc sách, hãy chú ý đừng ép buộc nếu trẻ không có hứng thú.
- Tuyệt đối đọc xong không kiểm tra lại xem trẻ có nhớ hay không như kiểu “tra bài” hoặc đang đọc dừng lại hỏi trắc nghiệm trẻ. Bởi như thế sẽ gây áp lực tâm lí cho trẻ, khiến trẻ không còn hứng thú với việc đọc ehon nữa. Hãy cứ để tự bản thân trẻ nói ra khi trẻ muốn trao đổi.
- Khi con muốn cha mẹ đọc cho nghe dù đã biết đọc đi nữa hãy đáp ứng mong muốn ấy của trẻ. Cho đến 10 tuổi cha mẹ vẫn nên đọc sách cùng con dù con đã biết đọc, vì đó là khoảng thời gian ngọt ngào trẻ vẫn muốn được cha mẹ chiều chuộng để cảm nhận tình yêu thương và sự quan tâm. Có những cha mẹ vì quá nôn nóng muốn con tự đọc sớm mà bỏ qua mong muốn ấy, kết quả là trẻ thất vọng và bắt đầu chán ghét việc đọc sách.
- Hãy tôn trọng quyền lựa chọn của con.
- Không nên lấy việc đọc ehon để nhằm mục đích dạy chữ sớm nếu trẻ chưa hứng thú.
Cuộc đời con trẻ sẽ thay đổi khi tư duy và thói quen của cha mẹ thay đổi. Người Nhật dạy con không bằng những gì cao siêu, chỉ gói gọn trong 6 chữ “Yêu thương”, Kiên Nhẫn”, “Trò Chuyện” và “Khen Ngợi”, “Thừa Nhận” và “Tin Tưởng”. Vì thế bước đầu tiên để cha mẹ giúp con yêu thích sách là hãy “Kiên Nhẫn”, “Khen Ngợi”, và “Tin Tưởng” vào con nhé.
Chúc bố/mẹ và các con có những buổi đọc sách vui vẻ!
Viết bình luận