Thang nâu cỡ to 10*20cm - Brown stair - Giáo cụ Montessori

790.000₫

Tình trạng: Hết hàng

Thang nâu cỡ to 10*20cm - Brown stair - Giáo cụ Montessori

Giới thiệu

  • Giáo cụ này bao gồm các thanh gỗ có chiều dài bằng nhau (20cm) nhưng chiều rộng và độ cao tăng dần, từ 1cm x 1cm x 20cm đến 10cm x 10cm x 20cm
  • Trình tự áp dụng: giới thiệu sau bộ Tháp hồng

Mục tiêu

  • Giúp trẻ cảm nhận được chiều cao, kích thước, khối lượng, thể tích, không gian đa chiều.
  • Phát triển tư duy logic và kỹ năng thao tác động tác, kỹ năng cầm nắm, tính trật tự .
  • Phát triển óc sáng tạo khi kết hợp với bộ Tháp hồng

Các hoạt động

  1. Xếp thang nâu theo chiều dày tăng dần
  2. Dùng thanh mỏng nhất để so sánh sự chênh lệch
  3. Bài học ngôn ngữ
  4. Hoạt động mở rộng
  5. Kết hợp tháp hồng và thang nâu

 

Chuẩn bị

  • Thang nâu: xếp trên kệ theo đúng như hình bên để trẻ có thể hiểu trình tự sắp xếp các bậc thang trước khi mang từng bậc xuống thảm
  • Có thể dùng thảm hoặc bàn vừa tầm trẻ, lưu ý màu thảm phải tương phản với màu thang nâu

 

Hoạt động 1 – Xếp thang nâu theo chiều dày tăng dần

  1. Yêu cầu con lấy thảm và trải thảm ở khu vực gần vị trí đặt thang nâu
  2. Dẫn con tới kệ đặt thang nâu và giới thiệu: đây là thang nâu
  3. Hướng dẫn trẻ cách cầm các bậc thang: đặt bàn tay lên chính giữa bậc thang đầu tiên (nhỏ nhất), đặt ngón tay cái lên phía trước, nắm các ngón tay còn lại ở phía mặt sau;
  4. Cùng trẻ lần lượt mang các bậc thang xuống dưới thảm (1 lần chỉ mang 1 bậc) và đặt ngẫu nhiên bên phải thảm, chừa 1 khoảng không rộng bên tay trái để xếp thang
  5. Khi đặt bậc thang xuống thảm, chú ý đặt cẩn thận 1 đầu xuống trước rồi mới đặt tiếp đầu còn lại, để trẻ nhận thức được thao tác cẩn trọng với các giáo cụ
  6. Khi bưng tới 2 hay 3 bậc thang cuối cùng, hướng dẫn rõ cho trẻ biết, đối với bậc thang lớn như vậy cần đặt tay trái bên dưới để đỡ, tay phải cầm bên trên bậc thang để giữ cho chắc rồi mới mang đi (tương tự như cách cầm các hình khối lớn trong bộ tháp hồng
  7. Khi tất cả các bậc thang đã được mang xuống thảm, ngồi xuống, quay sang trẻ nói: bây giờ mẹ tìm bậc thang dày nhất để xếp trước; quan sát và tìm bậc thang dày nhất
  8. Nhấc bậc thang dày nhất lên và xếp về phía gần mép thảm bên tay trái
  9. Tiếp tục quan sát cẩn thận và di chuyển bậc thang dày tiếp theo để xếp sát vào bậc thang lớn nhất đã xếp
  10. Khi xếp các bậc thang gần nhau, cần đặt xuống nhẹ nhàng để tránh làm di chuyển bậc thang đã xếp, dùng các ngón tay lướt 2 bên mép các bậc thang để đảm bảo chúng được dóng thẳng đều với nhau
  11. Tiếp tục thực hiện tương tự để xếp các bậc thang còn lại theo hướng tiến dần về phía bạn
  12. Khi đã xếp xong hết các bậc thang, dừng lại và ngắm nhìn nó
  13. Di chuyển các bậc thang và đặt ngẫu nhiên lại trên mép phải thảm như ban đầu, bắt đầu từ bậc mỏng nhất
  14. Mời trẻ thử xếp thang. Có thể hỗ trợ trẻ trong lần thực hành đầu tiên bằng cách đặt câu hỏi: con sẽ xếp bậc nào trước tiên? Nếu trẻ hiểu, để trẻ tự xếp các bậc thang. Nếu trẻ còn lúng túng có thể gợi ý: đâu là bậc thang dày tiếp theo?
  15. Khi trẻ hoàn tất, cùng trẻ mang các bậc thang xếp lại vị trí ban đầu trên kệ

Bài tập

  1. Cho trẻ thực hiện xếp tháp như mẫu bất cứ khi nào trẻ muốn, bao lâu tùy ý
  2. Ghép các bậc thang với thẻ

 


Hoạt động 2 – dùng thanh mỏng nhất so sánh sự chênh lệch chiều dày

 

  1. Phải đảm bảo trẻ được thực hiện bài tập như ở hoạt động làm mẫu 1 nhiều lần cho thuần thục rồi mới thực hiện tiếp hoạt động này
  2. Yêu cầu trẻ trải thảm ra và xếp hình thang nâu như đã được hướng dẫn
  3. Khi trẻ xếp xong, hãy nói với trẻ bạn chuẩn bị cho trẻ thấy một điểm đặc biệt của thang nâu
  4. Cầm bậc thang mỏng nhất, dùng ngón tay cái và ngón trỏ cầm hai đầu bậc thang để nhấc lên
  5. Đặt bậc thang mỏng nhất lên bậc thang tiếp theo, đẩy sát vào bậc thang thứ 3; bỏ tay ra và quan sát
  6. Tiếp tục nhấc bậc thang mỏng lên, đặt lên trên bậc thang thứ 3, áp sát vào bậc thang thứ 4; bỏ tay ra và quan sát
  7. Làm tương tự đến bậc thang thứ 9, (không bao giờ đặt lên bậc thang cuối cùng)
  8. Đặt bậc thang mỏng về vị trí ban đầu
  9. Mời trẻ làm thử
  10. Sau khi hoàn tất, cùng trẻ mang các bậc thang nâu về vị trí ban đầu trên kệ

Bài tập

 

Cho trẻ thực hành lặp đi lặp lại bài tập như hoạt động làm mẫu 2 bất cứ khi nào tùy ý


Giới thiệu ngôn ngữ

 

Thực hiện bài học Tam đoạn thức để giới thiệu các khái niệm ngôn ngữ sau

 

Dày – mỏng

  • Lấy 2 bậc thang có độ dày, mỏng tương phản nhau và giới thiệu: bậc thang này dày, bậc thang này mỏng

Dày hơn – mỏng hơn

  • Dùng hai bậc thang tương đối dày để so sánh; bậc này dày, bậc này dày hơn
  • Dùng hai bậc thang tương đối mỏng để so sánh: bậc này mỏng, bậc này mỏng hơn

Dày nhất – mỏng nhất

  • Chỉ tay vào bậc thang dày nhất trong cả bộ thang nâu: bậc thang này dày nhất
  • Chỉ tay vào bậc thang mỏng nhất: bậc thang này mỏng nhất

Hoạt động mở rộng

 

1. Trò chơi luyện trí nhớ 1

 

  • Hoạt động này có thể thực hiện trước hay sau khi giới thiệu ngôn ngữ
  • Trải 2 thảm nhỏ ra sàn nhà ở vị trí cách xa nhau và không có chướng ngại vật chính giữa
  • Yêu cầu trẻ mang các bậc thang nâu xuống đặt trên thảm thứ 1 ở vị trí ngẫu nhiên
  • Yêu cầu trẻ mang từng bậc thang từ thảm này sang thảm bên kia để xếp hình thang (mỗi lần chỉ mang 1 bậc, thao tác tương tự như lúc mang trên kệ xuống)
  • Trò chơi này giúp trẻ ghi nhớ sự khác biệt kích cỡ của các bậc thang

 

2. Trò chơi luyện trí nhớ 2

 

  • Trò chơi này chỉ thực hiện sau khi trẻ đã được giới thiệu ngôn ngữ ở hoạt động 3
  • Yêu cầu trẻ đặt hai thảm ra sàn nhà (cách xa nhau)
  • Yêu cầu trẻ mang từng bậc thang nâu xuống, đặt ngẫu nhiên trên thảm thứ 1
  • Yêu cầu trẻ lấy một bậc thang bất kỳ ở thảm thứ 1 sang thảm thứ 2
  • Ở thảm thứ 2, mẹ cầm bậc thang trẻ mới mang qua, yêu cầu trẻ quay về thảm thứ 1 lấy cho mẹ bậc thang dày hơn (hoặc mỏng hơn)
  • Khi trẻ quay trở lại, mẹ đặt bậc thang trên tay xuống thảm để trẻ đặt bậc thang trên tay trẻ lên trên để xác nhận sự chênh lệch kích cỡ của hai bậc thang
  • Thực hiện tương tự với các bậc thang còn lại
  • Khi tất cả các bậc thang đã được mang từ thảm thứ 1 sang hết bên thảm thứ 2, mẹ cùng trẻ mang các bậc thang cất về kệ

* Lưu ý: Nguyên tắc duy nhất là trẻ luôn phải thao tác cẩn thận, đặc biệt trẻ phải luôn đặt các bộ này trên thảm để tránh va chạm với nền nhà làm trầy giáo cụ. Giải thích những giới hạn hay “luật chơi” này cho trẻ cũng là một cơ hội tuyệt vời cho trẻ học về tính kỷ luật.